Đang Tải...

Trang chủ
Tot Blog

Kiến thức & Tin công nghệ

Điểm lại những “sự cố” công nghệ trong năm 2024

25/12/2024

icon

Năm 2024 chứng kiến không ít sự cố của các ông lớn công nghệ khiến hàng trăm triệu người dùng bao gồm cả cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Cùng TotHost điểm danh những sự cố nổi cộm ngành công nghệ 2024 trong bài viết sau đây nhé!

Mục lục

Mục lục

1. Tất cả dịch vụ của Meta đồng loạt sập

Ngày 5/3, nhiều người đang dùng các nền tảng của Meta (Facebook, Messenger, Instagram, Threads) thì bị đăng xuất, bất kể là dùng trên thiết bị máy tính hay điện thoại. Khi đăng nhập lại, người dùng chỉ nhận được dòng thông báo "trang web không có sẵn, liên kết đã hỏng hoặc bị xóa" hoặc "phiên đã hết hạn". Chỉ trong 10 phút, trên Downdetector, công cụ giám sát sự cố theo thời gian thực, số lượng báo lỗi toàn cầu xấp xỉ 400 nghìn, và đỉnh điểm là 11,1 triệu báo cáo.

Phải mất khoảng 2 tiếng, các nền tảng mới dần hồi phục. Thậm chí, có nhiều tài khoản mất nhiều ngày mới đăng nhập lại được. Meta phủ nhận việc bị tấn công và thông báo sự cố này liên quan đến lỗi kỹ thuật.

Ngoài ra, Facebook và Messenger còn gặp dăm ba lần lỗi khác như: lỗi thoát tài khoản cuối tháng 5 hay lỗi bị chặn tạm thời vào tháng 7.

2. Hàng triệu màn hình xanh “chết chóc"

Ngày 19/7, hàng loạt dịch vụ rơi vào hỗn loạn do hàng triệu thiết bị gặp lỗi "màn hình xanh” (Blue Screen of Death - BSoD). Hàng ngàn chuyến bay trên thế giới bị hoãn, các đài truyền hình phải ngừng phát sóng và nhiều người dùng không thể truy cập vào các dịch vụ như chăm sóc sức khỏe hay ngân hàng. Tại Việt Nam, hãng hàng không Vietjet cũng bị ảnh hưởng do tình trạng hoãn chuyến tại các sân bay khác trên thế giới.

Windows bị "khịa" vì lỗi màn hình xanh

Nguyên nhân bắt nguồn từ việc cập nhật Falcon Sensor của công ty bảo mật CrowdStrike khiến 8,5 triệu máy tính chạy Windows trên toàn cầu bị ảnh hưởng.

Microsoft đã nhanh chóng khắc phục sự cố và khôi phục dịch vụ sau vài giờ. Nhưng theo các chuyên gia, cần tới hàng tuần mới có thể khắc phục hoàn toàn. Theo Reuters, công ty bảo hiểm Parametrix ước tính các doanh nghiệp trong nhóm Fortune 500, không tính Microsoft, có thể phải chịu tổng  thiệt hại lên tới 5,4 tỷ USD.

3. Hàng loạt nền tảng chơi game không thể truy cập

  • Tháng 6, Roblox gặp lỗi hạ tầng kỹ thuật, dẫn tới nền tảng bị gián đoạn kết nối với máy chủ suốt nhiều giờ. Và trong thời gian gặp sự cố, tất cả các hoạt động đăng nhập, chơi game hay thậm chí tải ứng dụng đều không thể thực hiện.
  • Tháng 7 lại tới lượt Xbox Live (Microsoft) gặp trục trặc: toàn bộ người chơi tại Mỹ, châu Âu, châu Á không thể truy cập vào tài khoản, không thể chơi game hay sử dụng các dịch vụ bên trong.
  • “Không có bông tuyết nào trong sạch”: Đến cuối tháng 9, PlayStation Network (Sony) tiếp tục khiến hàng triệu người chơi thất vọng. Sau gần nửa ngày khắc phục, nền tảng mới có thể cho người dùng kết nối chơi game trực tuyến, quản lý tài khoản và truy cập nội dung kỹ thuật số như bình thường.

Trong ba sự cố kể trên, chỉ có Roblox thông báo sự cố do lỗi từ hạ tầng kỹ thuật. Hai ông lớn Microsoft và Sony, với hơn 1 triệu lượt báo cáo trên Downdetector, không có tiết lộ gì về nguyên nhân vấn đề.

4. Doanh nghiệp Mỹ quay về dùng giấy vì tấn công mạng

Vào tháng 6, CDK bị tấn công (thủ phạm được cho là nhóm BlackSuit). CDK cung cấp phần mềm hỗ trợ bán hàng, quản lý tài chính, tồn kho cho phần lớn các đại lý ôtô tại Mỹ. Cuộc tấn công ảnh hướng tới hệ thống máy tính của hàng loạt công ty, khiến họ phải dùng giấy để ghi chép. Reuters ghi nhận "toàn bộ ngành bán lẻ ôtô rơi vào tình trạng hỗn loạn”.

Ngày 21/11, Blue Yonder (Panasonic) bị tấn công mã độc tống tiền (ransomware) khiến tất cả các khách hàng của họ, bao gồm Starbucks, các nhà hàng, quán cà phê, tiệm tạp hóa tại nhiều nơi trên thế giới, phải nếm trải tình trạng tương tự.

5. Robot hút bụi chửi thề

Tháng 5/2024, hàng loạt robot hút bụi tại nhà bị hack và phát những lời khiếm nhã qua loa tích hợp trên thiết bị. Thậm chí, 1 robot đã bị điều khiển để đuổi quanh nhà một chú chó của một gia đình ở Los Angeles.

Toàn bộ sản phẩm bị tấn công là mẫu Deebot X2 của Ecovacs. Theo Ecovacs, hiện tượng trên do tài khoản các thiết bị của hãng bị lộ từ một vụ rò rỉ dữ liệu của bên thứ ba tại Mỹ. Ecovacs đã gửi lời xin lỗi tới người dùng và khẳng định đã nâng cấp phần mềm để phòng ngừa vấn đề bảo mật nói trên với các dòng sản phẩm.

Theo ChannelNews, Theo các công ty bảo mật, những tin tặc có chuyên môn cao có thể tấn công hầu hết các robot hút bụi có trang bị cảm biến Lidar, dù nó được sản xuất bởi các hãng lớn như Ecovacs, LG, Samsung, iRobot, Roborock.

6. Mã độc ransomware bùng nổ tại Việt Nam

sự cố do ransomware bùng nổ tại Việt Nam năm 2024

Trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam bị tấn công bởi mã độc tống tiền ransomware, gây gián đoạn dịch vụ, ảnh hưởng đến tài chính và uy tín:

  • Ngày 24/3, VnDirect bị mã hóa dữ liệu bởi một một tổ chức quốc tế. Gần một tuần là khoảng thời gian VnDirect phải dừng hoạt động.
  • Ngày 02/4, hệ thống công nghệ thông tin của Tổng công ty Dầu Việt Nam PVOIL bị ngưng trệ vài ngày do bị mã hóa dữ liệu.
  • Tháng 6, đến lượt hệ thống Vietnam Post dính ransomware, dịch vụ chuyển phát bị ảnh hưởng suốt khoảng 4 ngày.

Các vụ tấn công tống tiền có thể dễ dàng thực hiện bằng cách cung cấp ransomware dưới dạng dịch vụ, nhưng lại mang về lợi nhuận hàng trăm triệu đô. Vì vậy, số lượng các cuộc tấn công vào thị trường mới như Việt Nam ngày càng tăng. Theo Viettel Cyber Security (VCS), năm 2024, Việt Nam có ít nhất 26 vụ ransomware từ 12 nhóm tin tặc. Trong đó, gần 50% là do LockBit (12 vụ).

7. TPBank gặp sự cố từ app đến LiveBank

Tối 11/12, loạt giao dịch rút tiền tại quầy, qua ATM hay thanh toán qua tài khoản TPBank bị vô hiệu hóa.  Đồng thời, các giao dịch qua ví điện tử, ứng dụng gọi xe... có tính năng thanh toán liên kết với tài khoản TPBank cũng không thể thực hiện. Nói cách khác, mọi hoạt động giao dịch tại ngân hàng Tiên Phong đều bị đóng băng.

TPBank liên tục cập nhật thông tin khắc phục sự cố và phục hồi giao dịch trên các kênh thông tin chính thức. Tới chiều 12/12, ngân hàng mới có thể thông báo chính thức về việc sự cố đã được khắc phục hoàn toàn. Đại diện truyền thông TPBank xác nhận sự cố liên quan đến hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking).

Kết luận

Công nghệ ngày càng phát triển và đem tới cho chúng ta sự tiện lợi khó cưỡng. Nhưng ngay cả các ông lớn công nghệ với hệ thống tối tân, phức tạp vẫn dễ dàng “sụp đổ” chỉ vì những lỗi đơn giản. Làm thế nào để đảm bảo hạ tầng công nghệ luôn hoạt động ổn định, an toàn? Đây là một vấn đề luôn được quan tâm nhưng thực sự khó giải.

TelegramCommunity
scroll top
Thông báo
Đóng