Đang Tải...

Trang chủ
Tot Blog

Kiến thức & Tin công nghệ

Tổng hợp 10 hình thức tấn công điện toán đám mây

28/07/2023

icon

Điện toán đám mây đã mang đến một cuộc cách mạng trong việc lưu trữ và xử lý dữ liệu, giúp chúng ta dễ dàng truy cập, mở rộng và tiết kiệm chi phí hơn. Tuy nhiên, chuyển đổi sang môi trường điện toán đám mây cũng đồng thời đem đến nhiều mối đe dọa mới về an ninh mạng. 
Các cuộc tấn công vào hạ tầng điện toán đám mây có thể diễn ra theo nhiều hình thức, bao gồm vi phạm dữ liệu, tấn công ransomware, tấn công từ chối dịch vụ và nhiều hình thức khác. Những cuộc tấn công này có thể gây hủy hoại nghiêm trọng về mặt tài chính và uy tín của cả cá nhân lẫn tổ chức.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về 10 hình thức tấn công phổ biến mà điện toán đám mây đối diện. Bằng cách nhận thức về những mối nguy hiểm này, chúng ta có thể từng bước triển khai chiến lược bảo vệ dữ liệu và đảm bảo an toàn cho các hệ thống hoạt động trên đám mây của doanh nghiệp.

Mục lục

Mục lục

1. Chiếm đoạt tài khoản 

Khi kẻ tấn công chiếm đoạt hoặc kiểm soát trái phép tài khoản điện toán đám mây, chúng ta gọi đó là “account hijacking” (chiếm đoạt tài khoản). Hình thức tấn công này cho phép kẻ tấn công sử dụng các tài nguyên của tài khoản này cho mục đích cá nhân, ăn cắp hoặc giả mạo dữ liệu được lưu trữ trên đám mây.

Phương pháp phá mật khẩu là một cách mà kẻ tấn công có thể lấy hoặc đoán thông tin xác thực đăng nhập để xâm nhập vào tài khoản trên đám mây. Account hijacking có thể gây tổn hại đến danh tiếng của tổ chức và gây ra thiệt hại về mặt tài chính.

Tài khoản bị xâm nhập là tình huống mà kẻ tấn công giành được quyền truy cập vào tài khoản thông qua việc lừa người dùng tiết lộ thông tin đăng nhập hoặc khai thác lỗ hổng trong ứng dụng hệ thống mà người dùng sử dụng.

Tài khoản bị xâm nhập khác với tài khoản bị chiếm đoạt ở điểm là tài khoản bị chiếm đoạt là kẻ tấn công giành được quyền truy cập trái phép vào tài khoản thông qua các phương pháp như phá mật khẩu hoặc khai thác lỗ hổng trong cơ sở hạ tầng đám mây.

Tổng hợp 10 hình thức tấn công điện toán đám mây

2. Cuộc tấn công kênh bên (Side-Channel Attack – SCA) 

Đây là một phương pháp tấn công liên quan đến việc khai thác thông tin rò rỉ qua quá trình triển khai vật lý của một hệ thống, không phải qua các giao diện logic của nó. Thông tin bị rò rỉ này có thể bao gồm các chi tiết cụ thể về cách hệ thống được triển khai hoặc về dữ liệu đang được hệ thống xử lý.

Trong môi trường đám mây, kẻ tấn công có thể thực hiện các cuộc tấn công SCA bằng cách đặt một máy ảo nhiễm độc trên một máy chủ vật lý hợp pháp đang được sử dụng bởi khách hàng trên cloud. Điều này cho phép kẻ tấn công có quyền truy cập vào tất cả thông tin nhạy cảm trên thiết bị mục tiêu.

Các cuộc tấn công SCA có thể được sử dụng để trích xuất thông tin bí mật từ hệ thống, chẳng hạn như mật khẩu, khóa mã hóa hoặc dữ liệu nhạy cảm khác. Chúng cũng có thể được sử dụng để làm gián đoạn hoạt động của một hệ thống hoặc thao túng hành vi của nó.

3. Tấn công từ chối dịch vụ DDoS

Cuộc tấn công từ chối dịch vụ (Denial of Service Attack – DoS) nhằm vào mục tiêu là làm cho máy tính hoặc tài nguyên mạng không thể truy cập được cho người dùng đã được xác định. Để đạt được mục tiêu này, các cuộc tấn công DoS thường liên quan đến việc “làm ngập” dịch vụ đám mây bằng lượng truy cập lớn, khiến hệ thống không thể xử lý các yêu cầu hợp lệ và trở nên quá tải.

Tổng hợp 10 hình thức tấn công điện toán đám mây

Tác động của các cuộc tấn công DoS có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, từ làm gián đoạn các dịch vụ quan trọng cho đến gây tổn thất tài chính và làm ảnh hưởng đến danh tiếng của tổ chức. Bảo vệ chống lại các cuộc tấn công DoS trên cloud có thể đặc biệt khó khăn vì quy mô và độ phức tạp của môi trường cloud, đồng thời khiến việc xác định và giảm thiểu tấn công trở thành một thách thức.

4. Tấn công bằng Cloud Malware

Hình thức này sử dụng phần mềm độc hại như ransomware hoặc virus để xâm nhập vào cơ sở hạ tầng hoặc tài nguyên đám mây. Khi thành công, kẻ tấn công có thể gây phá hoại, ăn cắp thông tin, xóa dữ liệu hoặc sử dụng tài nguyên đó vì lợi ích cá nhân.

Có một số kỹ thuật mà kẻ tấn công có thể sử dụng để tiêm phần mềm độc hại vào tài nguyên trên đám mây, bao gồm việc khai thác các lỗ hổng bảo mật trong cơ sở hạ tầng đám mây, các ứng dụng hoặc hệ thống chạy trên nền tảng điện toán đám mây. Họ cũng có thể cài đặt module dịch vụ gây hại vào hệ thống PaaS, SaaS hoặc VM nhiễm độc vào hệ thống IaaS và điều hướng lưu lượng người dùng đến module đó.

Ngoài ra, việc sử dụng phishing để lừa đảo người dùng tải xuống và cài đặt phần mềm độc hại cũng là một phương pháp phổ biến. Cuối cùng, kẻ tấn công có thể lợi dụng quyền truy cập trái phép vào tài khoản trên cloud và tiêm phần mềm độc hại thông qua việc sử dụng các tệp hoặc liên kết chứa virus.

5. Mối đe doạ đến từ nội bộ

HÌnh thức này liên quan đến các cá nhân trong tổ chức, bao gồm cả nhân viên và nhà thầu, khi họ sử dụng hoặc truy cập tài nguyên trên cloud. Những cá nhân này có thể có quyền truy cập hợp pháp vào tài nguyên trên cloud, nhưng họ sử dụng quyền truy cập này sai mục đích và lạm dụng để đạt lợi ích cá nhân hoặc có thể vô tình gây ra rủi ro cho tài sản của công ty do hành động của họ.

Các mối đe dọa nội bộ có thể khó xác định và ngăn chặn vì chúng thường liên quan đến những cá nhân có quyền truy cập hợp pháp vào tài nguyên trên cloud và có thể không có ý định xấu. Hơn nữa, việc giải quyết mối đe dọa nội bộ có thể trở nên phức tạp vì đòi hỏi mức độ tin cậy và quyền truy cập cao trong tổ chức.

6. Cookie poisoning (đầu độc cookie)

Đầu độc Cookie trên các ứng dụng đám mây là việc thay đổi trái phép hoặc chèn nội dung có hại vào cookie. Cookie là một phần dữ liệu nhỏ được một trang web hoặc ứng dụng web lưu trữ trên máy tính của người dùng.

Đọc thêm: Nên bật hay tắt Cookie trên Website?

Cookie được sử dụng để lưu trữ thông tin về sở thích và lịch sử duyệt web của người dùng, và thường được dùng để cá nhân hóa trải nghiệm hoặc theo dõi hoạt động của họ. Trong các ứng dụng SaaS và các ứng dụng đám mây khác, cookie thường chứa dữ liệu thông tin xác thực, điều này có thể cho phép kẻ tấn công đầu độc cookie để lấy quyền truy cập vào ứng dụng.

7. Sai cấu hình bảo mật

Sai cấu hình bảo mật là việc không thiết lập chính xác cấu hình tài nguyên và cơ sở hạ tầng điện toán đám mây để đối phó với các mối đe dọa trên mạng. Điều này có thể bao gồm việc không thiết lập đúng các biện pháp quản lý truy cập, cài đặt cấu hình và bảo mật, hoặc không thường xuyên cập nhật và vá lỗi hệ thống, ứng dụng.

8. API không an toàn

API không an toàn chứa các lỗ hổng bảo mật mà kẻ tấn công có thể khai thác để truy cập trái phép vào hệ thống và dữ liệu, hoặc gây gián đoạn hoạt động của API.

Đọc thêm: API: Giải mã giao diện lập trình ứng dụng

Một số ví dụ về API không an toàn bao gồm:

  • Shadow API: Đây là các API không có tài liệu hoặc ủy quyền đúng cách, và chủ sở hữu API có thể không biết đến chúng. Chúng có thể được tạo bởi các nhà phát triển hoặc người dùng khác trong tổ chức, và có thể làm lộ dữ liệu hoặc chức năng nhạy cảm cho các bên không được phép truy cập.
  • Tham số API: Input và output của API có thể dễ dàng bị tấn công bằng cách tiêm nhiễm mã độc nếu chúng không được xác thực và quét sạch hoàn toàn.

Các API không an toàn có thể dẫn đến việc truy cập trái phép, rò rỉ dữ liệu và các vấn đề bảo mật khác.

9. Cloud Crypto Mining

Tấn công cloud crypto mining là một cuộc tấn công mạng liên quan đến việc sử dụng tài nguyên đám mây để đào tiền ảo mà chủ sở hữu tài nguyên hoặc nhà cung cấp đám mây không biết hoặc không đồng ý. Đào tiền ảo là quá trình sử dụng tài nguyên máy tính để xác thực các giao dịch trên blockchain.

Tổng hợp 10 hình thức tấn công điện toán đám mây

Khi thực hiện cloud crypto mining, kẻ tấn công có quyền truy cập vào tài nguyên đám mây, chẳng hạn như máy ảo hay container bằng cách sử dụng thông tin đăng nhập bị đánh cắp hoặc rò rỉ. Chúng cũng có thể khai thác các lỗ hổng trong cơ sở hạ tầng đám mây hoặc sử dụng phần mềm độc hại để truy cập trái phép. Sau đó, kẻ tấn công sử dụng tài nguyên để đào tiền ảo, điều này có thể gây cạn kiệt tài nguyên và gây tổn thất tài chính cho chủ sở hữu.

Kết luận

Nhìn chung, điện toán đám mây mang lại nhiều lợi ích về khả năng mở rộng, tính linh hoạt và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, nó cũng chứa đựng nhiều thách thức bảo mật mới phải được giải quyết để bảo vệ tài nguyên và dữ liệu trên cloud khỏi các mối đe dọa an ninh mạng. Các tổ chức cần triển khai các biện pháp bảo mật hiệu quả như kiểm soát truy cập mạnh mẽ, mã hóa dữ liệu cũng như thường xuyên cập nhật và vá lỗi cho cơ sở hạ tầng và ứng dụng đám mây của mình.

TelegramCommunity
scroll top
Thông báo
Đóng